(PLVN) – Từ Đại Xuân – danh y nổi tiếng thời nhà Minh là một trong những nhà bác học kiệt xuất. Ngoài y học, ông còn rất am hiểu văn học, triết học, âm nhạc, thư pháp… Ông đọc thuộc các y điển cổ đại nhưng biết sáng tạo kết hợp giữa bài thuốc chữa bệnh cổ xưa với phương pháp mới; tùy người tùy bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị thiết thực.
Từ Đại Xuân sinh ở Thư Hương Môn Đệ năm thứ 32 Thanh Khang Hy (năm 1623), là người huyện Ngô Giang, Tô Châu (Trung Quốc). Từ Đại Xuân dành nhiều thời gian đọc sách nghiên cứu các học vấn có tính thực dụng, ông thích đọc các loại sách về thiên văn, địa lý, lịch pháp, số học, y học, thơ văn, thư họa cho đến kỹ thuật… nhưng cuối cùng ông chuyên tâm nghiên cứu học tập y học vì việc này có liên quan đến một loạt những sự việc bất hạnh xảy ra trong gia đình ông.
Không dập khuôn máy móc
Có một năm, người em trai thứ ba của ông bị bệnh nặng, nhiều danh y được mời đến khám và chữa bệnh nhưng không hiệu quả, cuối cùng chết sớm. Không lâu sau người em trai thứ tư và thứ năm cũng tiếp nhau mắc bệnh, chữa chạy không khỏi, lần lượt ra đi. Ba đứa con lần lượt ra đi đã làm cho cha mẹ ông vô cùng đau đớn, lâm bệnh nặng.
Biến cố to lớn trong gia đình khiến ông cảm nhận sâu sắc sự quan trọng của y học. Ông nói: “Sinh và tử là những việc trọng đại nhất của con người. Vương công quí tộc, anh hùng hào kiệt có thể xoay chuyển tình thế nhưng không thể bảo đảm bản thân mình không mắc bệnh. Có bệnh rồi chỉ còn đem cái sống cái chết của mình giao phó cho thầy thuốc. Trách nhiệm của thầy thuốc quả là quá lớn”.
Thời đó, nói chung các thầy thuốc chỉ kê đơn chữa bệnh, ít người đọc y điển cổ đại, càng không thể nói nghiên cứu lý luận sâu sắc. Từ Đại Xuân sau khi học tập nghiên cứu các y điển rất tâm đắc, vì thế ông viết một bài về “Hành y thán” để lớn tiếng cảnh báo.
“Trên đời này rất nhiều người hành y không thèm đọc sách, tùy ý khám chữa bệnh, rất nhiều bệnh nhân vì thế mà chết oan. Những thầy lang này chỉ nhớ được vài vị thuốc đã dùng để chữa bệnh, chữa không xong cũng không quan tâm. Nếu chữa không khỏi thì nói: “Thuốc không sai, vì bệnh nan y”. Họ đã “tiễn đưa” rất nhiều sinh mệnh, nhưng chẳng có tội tình gì cả, ngược lại còn nhận tiền thù lao”.
Từ Đại Xuân đã khổ công nghiên cứu tìm đọc các y điển cổ đại, ông rất quý trọng nhưng không phải dập khuôn máy móc, mà là từ trong đó tiếp thu những tinh hoa, vứt bỏ những sai lầm thiếu sót, tạo ra cho mình con đường riêng.
Ví dụ trong sách y cổ đại có nói: Nhân sâm là thuốc đại bổ. Vì thế có thầy thuốc đã xem nhân sâm như một loại thuốc vạn linh, nhất nhất đều dùng nhân sâm. Nhưng Từ Đại Xuân cảnh báo rằng: “Nhân sâm không phải là thuốc cải tử hoàn sinh; một số người bệnh suy nhược cơ thể thì dùng được, nhưng một số lại không thích hợp. Vì vậy phải dựa vào tình hình thực tế để sử dụng, nếu không rất dễ xảy ra sai lầm chết người”.
Một lần, có một người mắc bệnh sốt cao (ngày nay gọi là viêm não cấp) tình hình bệnh rất nguy ngập, bệnh nhân sốt cao, mê man, bí đái, không phân biệt được người thân và cũng không nói được.
Sau khi Từ Đại Xuân khám xong cảm thấy tình hình khẩn cấp, nếu không cấp cứu kịp bệnh nhân sẽ có thể ra nhiều mồ hôi mà chết, vì thế ông cho dùng thuốc bổ khí ôn dương nhân sâm cho bệnh nhân uống. Một lúc sau bệnh nhân tỉnh trở lại nhưng vẫn không nhận ra người thân, vẫn không nói được. Từ Đại Xuân nói với vợ của bệnh nhân: “Bệnh nhân đã vượt qua hiểm nghèo rồi, bà đừng lo. Chờ khi nào bệnh nhân nhận ra người, nói được thì gọi tôi”.
Ba ngày sau, bệnh nhân nhận ra người thân và nói được, bà vợ của bệnh nhân rất vui sướng. Vừa lúc đó có một vị thầy thuốc đi qua, vợ bệnh nhân bèn mời ông ta xem giúp bệnh cho chồng. Sau khi bắt mạch xong và xem thuốc mà Từ Đại Xuân kê, ông cho rằng thuốc Từ Đại Xuân rất tốt, cứ thế uống thêm một thang nữa. Bà vợ của bệnh nhân cảm thấy có lý nên tiếp tục sắc thuốc cho chồng.
Vừa lúc bà đang định cho chồng uống thuốc, sực nhớ lại lời dặn của Từ Đại Xuân lúc ra về, bèn bảo người đi mời Từ Đại Xuân đến. Từ Đại Xuân khám lại bệnh một lần nữa rồi nói với bà: “Dương khí của bệnh nhân đã hồi phục nhưng tà hỏa còn rất mạnh, âm khí bị tổn hại có nguy cơ suy nhược. Nếu vẫn uống sâm thang có thể phát sinh tai biến. Bây giờ cần ăn dưa hấu để giải nhiệt”. Quả nhiên, bệnh nhân sau khi ăn dưa hấu và uống thuốc đã khỏi dần và cuối cùng hết bệnh.
Bột gạo nếp đắp ngoài da cứu trẻ sơ sinh
Từ Đại Xuân đọc nhiều sách, hiểu biết rộng, thường tiếp thu những cái hay trong sách cổ và sáng tạo ra những phương pháp trị liệu kỳ diệu mới. Một lần, có một sản phụ sinh ra đứa bé hoàn toàn không có da, nhìn thấy rất dễ sợ. Mọi người đều xem nó là quái thai, gia đình cũng rất sợ định chuẩn bị đem vứt nó đi. Sau khi Từ Đại Xuân biết, lập tức đến nhà sản phụ nói: “Xin đừng vứt đứa bé, để cho tôi thử xem có thể cứu chữa”.
Từ Đại Xuân bảo người mang đến bột gạo nếp, rắc đều bột gạo nếp lên mình đứa bé, sau đó dùng khăn bông bao đứa bé lại rồi đem vùi đứa bé vào đất mịn từ ngực trở xuống. Làm xong, Từ Đại Xuân nói với sản phụ: “Hàng ngày bà vẫn cho bé bú bình thường, vài ngày sau, da đứa bé sẽ mọc lên”. Kỳ tích đã xuất hiện, mấy ngày sau da đứa bé dần dần mọc ra.
Lại một lần khác, một phụ nữ mắc bệnh phong bí (viêm khớp), phần mông đau như kim châm. Từ Đại Xuân khám xong không giống như các thầy thuốc khác: Kê đơn thuốc hoặc châm cứu, mà gọi người nhà của bệnh nhân may cho một tấm đệm thật dày.
Đệm may xong, ông bảo người nhà đưa bệnh nhân vào nằm trong đệm rồi quấn lại; gọi một phụ nữ khác khỏe mạnh ôm chặt bệnh nhân vào nói: “Cho dù bệnh nhân có kêu la thế nào cũng mặc kệ, không được thả ra, cho đến khi bệnh nhân toát hết mồ hôi thì thôi”. Quả nhiên bệnh nhân nằm trong đệm không cựa quậy được, người toát đầy mồ hôi, cuối cùng khỏi bệnh.
Hai ví dụ trên, thực ra đều là cách chữa trị mới lấy ra từ trong các sách cổ mà Từ Đại Xuân áp dụng được.
Năm Càn Long thứ 24 (năm 1759), đại học sĩ Tưởng Phổ lâm bệnh nặng, hoàng đế Càn Long ra chiếu thư tuyển danh y về kinh thành chữa bệnh. Một vị đại quan ở kinh thành chọn Từ Đại Xuân nhưng ông bản thân bị bệnh không thể ứng chiếu.
Một năm sau, bệnh Tưởng Phổ càng nặng hơn, hoàng đế Càn Long cử người đến đón Từ Đại Xuân lên kinh thành. Sau khi ông khám bệnh xong, lắc đầu và nói: “Bệnh của Tưởng học sĩ đã không còn cách nào cứu chữa được, khoảng sau lập hạ bảy ngày là chết”.
Những người ở xung quanh đó bán tín bán nghi, đến ngày hôm đó Tưởng Phổ quả nhiên tạ thế. Các đại thần văn võ triều định rất khâm phục. Hoàng đế Càn Long thấy ông có y thuật tài giỏi như vậy chuẩn bị đưa ông vào Thái y viện, nhưng ông không đồng ý, hoàng đế đành để ông về quê.
Năm Càn Long thứ 36 (năm 1771), Từ Đại Xuân đã 78 tuổi. Một hôm ông nói chuyện với con: “Cha tự khám bệnh cho mình có lẽ không qua nổi hết năm nay”. Đầu mùa đông năm đó, hoàng đế lại hạ chiếu thư mời Từ Đại Xuân về kinh chữa bệnh cho một vị đại quan.
Quân mệnh không thể từ chối được, Từ Đại Xuân đành phải bảo con đưa ông đi kinh thành. Từ Đại Xuân cũng biết rằng lần này “ chỉ có đi không có về” nên đã mang theo một quan tài đi cùng. Đến kinh thành chữa bệnh cho viên đại quan xong, mấy ngày hôm sau lời dự báo của ông quả nhiên ứng nghiệm.
Trước lúc lâm chung, Từ Đại Xuân đã viết sẵn câu đối trên cửa mộ cho mình, trong đó có một câu ý là: “Hoa thơm thuốc quí đầy sông núi/ Gió mát thanh thanh chốn mộ phần”.
Bình luận (0)