Hơn 95% polyp túi mật là lành tính nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Nếu kích thước polyp lớn hơn 1cm hoặc đa polyp hay trong các trường hợp polyp không chân, hoặc kích thước polyp tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn thì khả năng ung thư cao.
Thông thường các bác sĩ sẽ dựa vào kích thước polyp và những triệu chứng mà người bệnh gặp phải trong thực tế cùng một số xét nghiệm khác để dự đoán tính chất của polyp, từ đó đề ra phương án điều trị phù hợp.
Triệu chứng polyp túi mật
Các triệu chứng của polyp túi mật không thực sự rõ ràng, thậm chí nhiều trường hợp không hề có biểu hiện gì. Chỉ có khoảng 6 – 7% trường hợp gặp phải các triệu chứng mơ hồ như đau hạ sườn phải hoặc trên vùng rốn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, ăn uống chậm tiêu hoặc viêm túi mật, ứ trệ dịch mật… Nguyên nhân của tình trạng này là do những mảng cholesterol trên niêm mạc túi mật có thể bị bong ra, di chuyển theo dịch mật làm cản trở sự lưu thông của dịch mật và gây nên những triệu chứng như trên.
Khi nào polyp túi mật cần mổ?
Thông thường với những polyp kích thước lớn hơn 1cm sẽ được khuyên phẫu thuật cắt bỏ túi mật để ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Đặc biệt nếu, polyp có kích thước lớn 1-2cm được xem là những khối u ác tính và cần phải phẫu thuật cắt túi mật ngay.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng được chỉ định mổ cắt túi mật sớm nếu nghi ngờ polyp chuyển biến ung thư trong thời gian theo dõi như:
– Polyp có tiến triển ác tính trong thời gian theo dõi (phát triển nhanh về số lượng, kích thước sau vài tháng, hình thái bất thường: chân lan rộng, hình dáng xù xì)
– Polyp túi mật mắc kèm với sỏi mật, đa polyp
Còn với những polyp nhỏ hơn 10 mm, chưa có triệu chứng chưa cần phẫu thuật mà chỉ cần siêu âm định kỳ 6 tháng/lần. Thời gian theo dõi thường từ 1 năm rưỡi – 2 năm, nếu sau thời gian đó polyp không thay đổi hoặc biến mất thì là lành tính và không cần can thiệp.
Cách chung sống hòa bình với polyp túi mật
Phần lớn polyp được cấu thành do sự dư thừa hoặc rối loạn chuyển hóa cholesterol trong túi mật. Vì thế, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo, ít cholesterol sẽ góp phần cải thiện và hạn chế được những biến chứng do polyp gây ra.
Những thực phẩm nên hạn chế:
– Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, thức ăn chiên xào, rán, thức ăn nhanh,… Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, pho mai…
– Thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, tinh bột tinh chế như các loại bánh quy, bánh ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp.
Danh sách thực phẩm nên ăn:
– Hoa quả giàu vitamin (B, C, D, E), chất khoáng như các loại quả họ cam, táo, lê… giúp tăng cường sức khỏe gan mật, hạn chế nguy cơ hình thành và phát triển polyp.
– Rau xanh, củ quả giàu chất xơ như su hào, cải bắp, cà rốt… sẽ giúp hạn chế sự hấp thu chất béo tại ruột, đồng thời góp phần giúp sự vận động ở đường tiêu hóa tốt hơn, hạn chế các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu.
– Các loại chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu oliu, hạnh nhân, hướng dương… rất tốt cho sức khỏe, có thể giúp ngăn ngừa polyp. Lựa chọn các loại sữa ít chất béo và đường để tránh gây khó tiêu.
Sự phát triển polyp túi mật ở mỗi người là không giống nhau, do đó, khi đã được chẩn đoán bệnh, bạn cần phải hiểu rõ những thông tin cơ bản về bệnh. Đồng thời cần kết hợp cùng chế độ ăn khoa học, giải pháp hỗ trợ phù hợp và siêu âm kích thước thường xuyên để tầm soát sớm nguy cơ ung thư.
Bình luận (0)