Quả na đang trong giai đoạn trưởng thành thì bị một loài nấm làm hỏng, bị khô héo ở trên cây, có màu nâu đỏ tím, tự khô xác, cứng rắn được Kiến thức Đông Y coi là quả na điếc
Một số bài thuốc hay từ quả na điếc
Quả na điếc, tên trong sách thuốc cổ được gọi là sa lê. Sa lê phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng chữa bệnh trong những trường hợp dưới đây:
Chữa ho, viêm họng: quả na điếc 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, cam thảo dây 25g, lá bạc hà 50g, lá chanh 25g, lá táo 25g, sinh địa 50g. Tất cả phơi khô, riêng quả na điếc đốt tồn tính, giã nhỏ, tán bột, trộn với 150g đường kính đã nấu thành siro để làm viên, mỗi viên 0,5g. Người lớn 6-8 viên. Chia 2 lần. Trẻ em tùy theo tuổi 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.
Chữa đại tiện lỏng, kiết lỵ: quả na điếc 20g đốt tồn tính, cỏ lào ngọn non 50g, gạo tẻ (rang vàng) 30g. Tất cả sắc với 400ml, còn 100ml, uống làm 2-3 lần trong ngày.
Chữa áp-xe vú, quai bị: quả na điếc 10-20g, phơi khô, tán bột rồi hòa với dấm bôi nhiều lần trong ngày.
Chữa sốt rét: quả na điếc 40g, giun đất 80g, phèn phi 20g. Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng. Giun đất rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn với phèn phi, tán bột mịn, luyện với nước tỏi hoàn viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
Ngoài ra, hạt na, lá na, rễ na cũng làm thuốc chữa bệnh như sau:
Hạt na chữa đau nhức răng: hạt na giã nhỏ, ngâm rượu, ngậm nhổ nước, không được nuốt vì hạt na độc.
Lá na chữa sưng vú: lá na 1 nắm rửa sạch, giã nát cùng với lá bồ công anh. Đắp vú.
Và chữa bong gân: lấy lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.
Rễ na: rễ na 30-50g thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc uống có tác dụng tẩy giun đũa.
Bình luận (0)