Bệnh viêm amidan – Nguyên nhân, triệu chứng

Thời tiết thay đổi, nhiều bệnh tật xuất hiện, trong đó có bệnh viêm amidan cấp, mạn tính. Đặc biệt, viêm amidan hốc mủ dễ tái phát và gây biến chứng nguy hiểm.

Amidan có chức năng sản sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập qua đường ăn và đường thở. Do cấu trúc đặc biệt của amidan gồm nhiều hốc và múi nên một khi đã bị vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi nấm, virus) xâm nhập sẽ gây nên viêm nhiễm.

Viêm amidan được chia thành 2 thể, đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính, quá phát. Viêm amidan cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm amidan mạn tính, trong đó viêm amidan hốc mủ là một dạng của viêm amidan mạn tính thường hay gặp.

Viêm amidan hốc mủ là khi amidan viêm mạn tính có ít nhất một hốc (thường có nhiều hốc) trong hốc có mủ (hầu hết là mủ màu trắng như sữa) bị nhiễm trùng có mủ cộng với cặn bã, chất xơ viêm.

Nguyên nhân

Amidan là tổ chức bạch huyết lympho bình thường đã có ngay từ khi cơ thể sinh ra. Nó có vai trò quan trọng, sinh ra các kháng thể để bảo vệ đường hô hấp trên, tránh các tác nhân gây hại xâm nhập vào đường hầu, họng.

Amidan đảm nhiệm vai trò như một hàng rào miễn dịch cực kỳ quan trọng ở đường hô hấp trên. Do hoạt động của các cơ họng khi nhai nuốt cùng sự cọ xát của thức ăn khi đi qua thành họng, kèm theo viêm nhiễm, các kén mủ trong hốc amidan bật ra có hình dạng những hạt tấm màu trắng như mủ.

Nguyên nhân gây viêm amidan hốc mủ, trước hết là do viêm amidan cấp không được chữa trị hoặc chữa trị không đúng, trên cơ sở đó vi sinh vật tấn công, nhất là ở người có sức đề kháng kém. Có nhiều loại vi khuẩn gây viêm amidan hốc mủ như H.influenzae, tụ cầu, xoắn khuẩn Vincent, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A (St.pyogenes). Loại vi khuẩn này từ gây viêm họng, amidan còn gây nên bệnh tự miễn làm tổn thương cầu thận, bao khớp, van tim (bệnh thấp tim tiến triển) rất nguy hiểm.

Bệnh viêm amidan nói chung, amidan hốc mủ nói riêng thường gặp ở người vệ sinh họng, miệng, răng kém hoặc lười không vệ sinh, nhất là một số vùng nông thôn, miền núi. Ngoài ra, môi trường bị ô nhiễm, khói bụi, hút thuốc hoặc hít khói thuốc thường xuyên, người có sức đề kháng kém như: Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người cao tuổi sức yếu, đặc biệt khi thời tiết thay đổi đột ngột, mưa, lạnh, áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc tràn về, amidan hốc mủ dễ tái phát.

Triệu chứng

Sốt là triệu chứng đầu tiên thường gặp (đôi khi có gai lạnh), tuy nhiên có trường hợp không sốt, nhất là viêm amidan hốc mủ tái đi tái lại nhiều lần. Sốt là do phản ứng của cơ thể với độc tố của vi khuẩn. Người bệnh đau, rát họng lan sang cả vùng tai, tăng tiến theo thời gian và đặc biệt đau lúc ăn, uống, nuốt nước bọt.

Nhiều trường hợp người bệnh nuốt vướng như có sợi tóc, vì vậy hay khạc làm rát họng nhiều hơn. Khạc có thể có đờm đặc và hôi miệng, người mệt mỏi, chán ăn. Khi há miệng to soi vào gương có thể thấy hai amidan sưng, đỏ, có hốc mủ, trong hốc có chất màu trắng sữa rất rõ. Hốc mủ ở amidan là dấu hiệu đặc trưng của viêm amidan hốc mủ để phân biệt với viêm họng cấp hoặc viêm amidan cấp.

Khi nghi bị viêm amidan, cần được khám cẩn thận và làm xét nghiệm vi sinh để xác định căn nguyên gây bệnh, nhất là vi khuẩn liên cầu nhóm A (St.pyogenes).

Biến chứng

Viêm amidan hốc mủ, nếu không được điều trị dứt điểm hoặc điều trị không đúng sẽ tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến lao động, học tập. Biến chứng đáng lo ngại nhất là viêm amidan hốc mủ do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (St.pyogenes). Vi khuẩn này có cấu trúc vách của nó gần giống với tổ chức bao khớp, cầu thận, tổ chức của trái tim (gờ cơ, cột cơ tim), cho nên khi chúng xuất hiện trong cơ thể gây viêm amidan, cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại chúng, đồng thời kháng thể đó chống lại tổ chức của chính mình (gọi là bệnh tự miễn).

Ngoài ra, viêm amidan hốc mủ có thể gây viêm xoang, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp dưới (khí, phế quản, viêm phổi), gây áp-xe amidan.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng viêm amidan hốc mủ cần vệ sinh họng, miệng, răng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt hơn, súc họng bằng nước muối nhạt trước khi đánh răng. Nếu đã, đang bị viêm họng, viêm amidan, cần điều trị tích cực, đúng cách, không dùng kháng sinh một cách tùy tiện. Khi ra đường cần đeo khẩu trang để tránh bụi vì trong bụi có vô số vi sinh vật gây bệnh, chưa kể còn có chất độc hại cho đường hô hấp, nhất là vùng có không khí ô nhiễm. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào.

Kết quả tác dụng có thể da dạng tùy theo cơ địa của mỗi người mà có những phác đồ hỗ trợ điều trị khác nhau. chính vì vậy bạn đọc cần liên hệ trực tiếp với người có chuyên môn để được tư vấn cũng như hỗ trợ điều trị một cách tốt nhất.

Bình luận (0)